1. Nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân:
Thứ nhất, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân được thể hiện là phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân. Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của nhân dân, ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của nhân dân.
Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng nhân dân. Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm.
Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ. Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Hồ Chí Minh “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”.
Chăm lo đời sống nhân dân là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”
Theo Bác, muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Thứ hai, Đạo đức Hồ Chí Minh về ý thức tôn trọng Nhân dân thể hiện nổi bật ở sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị của Người. Ý thức tôn trọng nhân dân ở khía cạnh đạo đức cần phải khai thác ở việc coi trọng, đề cao nhân dân. Tôn trọng nhân dân trong đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, “đối với dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, yêu kính nhân dân, thật sự tôn trọng nhân dân.
Đạo đức Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ được hiểu ngắn gọn: dân là chủ và dân làm chủ. Từ chỗ nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức, năng lực làm chủ, phát triển văn hóa chính trị và tính tích cực công dân, khuyến khích nhân dân tham gia vào công việc của Đảng, Chính phủ, thì một điều quan trọng là tạo điều kiện cho dân “dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”.
Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về một trong những điều tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Chăm lo đời sống nhân dân là sứ mệnh của Đảng ta ngay từ khi ra đời. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Trăn trở về đời sống Nhân dân, trong Di chúc, Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Thứ ba, phong cách Hồ Chí Minh tôn trọng nhân dân xuất phát một cách tự nhiên từ nhân cách, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì nước, vì dân của Người. Phong cách tôn trọng nhân dân của Hồ Chí Minh thể hiện nhiều cách. Hồ Chí Minh có cách giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân, thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người.
Phong cách Hồ Chí Minh phát huy dân chủ xuất phát từ chỗ tôn trọng nhân dân, đề cao vai trò, vị trí của nhân dân. Dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng, những người “không quan trọng” để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác.
Để thực hiện phong cách dân chủ, cần phải hiểu: “nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”. Người chỉ rõ: “để phát huy ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”.
Phong cách Hồ Chí Minh chăm lo đời sống cho nhân dân: Trong sự nghiệp kiến thiết chủ nghĩa xã hội, Người cho rằng “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”. Người nói: “một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, Người biến tình thương thành trách nhiệm của bản thân.
Theo Người, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.
2. Thực trạng hiện nay:
Hiện nay tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính luôn có ý thức xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp trọng dân, gần dân, luôn tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân; không có thái độ hách dịch, dọa nạt, gây căng thẳng, lợi dụng vị trí công tác để gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của tổ chức và công dân.
Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân phải nghiêm túc tiếp thu ý kiến của tổ chức, công dân để hướng dẫn, tham mưu giải quyết thấu đáo theo đúng quy định của pháp luật. Nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính của các cơ quan nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức cần nâng cao năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ và tinh thần, thái độ phục vụ, hướng dẫn người dân tận tình, chu đáo, trả lời giải đáp đầy đủ các ý kiến của người dân, đại diện tổ chức đến giao dịch.
Bên cạnh đó thì thời gian gần đây, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng của người dân, tình trạng cán bộ, đảng viên tại các cơ quan hành chính nhà nước còn “hành” dân. Cách làm việc chưa khoa học, thiếu tâm huyết, giải quyết công việc không đúng quy trình, làm việc chậm chạp, lề mề dẫn đến làm việc thường bị động, hiệu quả thấp, nhiều khi mang tính đối phó cho xong việc.
Rất nhiều ý kiến đã chỉ ra những điểm còn hạn chế trong văn hoá công sở của cán bộ, đảng viên hiện nay như: đi làm muộn, làm việc riêng trong giờ làm việc, cách ứng xử không nhã nhặn với khách hàng và đồng nghiệp, trang phục không phù hợp nơi công sở, tác phong làm việc không chuyên nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm với công việc được giao…
3. Một số giải pháp:
Việc thực hiện có hiệu quả chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân chính là góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thường xuyên giám sát, đánh giá công tác phục vụ nhân dân của các cơ quan, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức; sử dụng tiêu chí hài lòng của nhân dân là thước đo đánh giá hoạt động của các cơ quan nhà nước, năng lực của người đứng đầu cơ quan đó; sử dụng tiêu chí về sự tham gia của nhân dân trong ban hành và thực hiện quyết định liên quan đến cuộc sống người dân để đánh giá hoạt động của cơ quan nhà nước.
Nâng cao ý thức của nhân dân về vai trò là chủ, làm chủ trong quản lý nhà nước và xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, quyền và trách nhiệm công dân trong xây dựng đất nước. Thông qua các đoàn thể nhân dân ở địa phương, hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền là chủ và làm chủ. Các tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư phải được bồi dưỡng, nâng cao năng lực để có thể thực hiện quyền làm chủ và hướng dẫn cộng đồng thực hiện quyền làm chủ. Xây dựng cẩm nang, sổ tay hướng dẫn người dân thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước ở địa phương.
Chúng ta đang phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phong cách ứng xử chuẩn mực trong hoạt động công vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thiết nghĩ, CBCC khi tiếp xúc với nhân dân cần nghiêm chỉnh tuân theo các quy định cách giao tiếp, trong đó đặc biệt cần tôn trọng người dân, chú ý ứng xử với dân một cách có văn hoá. Điều đó góp phần tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh nơi công sở.
Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của Nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với Nhân dân và cán bộ dưới quyền. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà Nhân dân.
Là CBCC KBNN cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị tinh thần gương mẫu, nêu gương trong thực thi công vụ. Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung giải quyết những lợi ích chính đáng của Nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Chấp hành các cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ; chấp hành nội quy cơ quan, quy chế quản lý nội bộ, nhằm duy trì và giữ vững an ninh trật tự an toàn cơ quan, trật tự nội vụ của đơn vị KBNN trong toàn hệ thống.
Đảng viên thực hiện: Nguyễn Hà Ngọc